Hải chiến Hoàng Sa 1974 - Âm mưu của Trung Quốc đã có từ lâu

Sau cuộc gặp lịch sử giữa Mao Trạch Đông với Nixon vào đầu năm 1972, và sự kiện Mỹ rút ra khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris đầu năm 1973, Bắc Kinh đã thấy trước một khả năng mới: Họ có thể loại trừ khả năng can thiệp của Hải quân Mỹ nếu cưỡng chiếm các hòn đảo do Việt Nam Cộng hòa quản lý.

Những bước chuẩn bị dài lâu

Cách đây vừa tròn 45 năm, ngày 19/1/1974, Hải quân Trung Quốc đã có trận đấu súng chóng vánh với Hải quân Việt Nam Cộng hòa để rồi sau đó chính thức chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa một cách phi pháp. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn không nhận được bất kỳ sự công nhận nào của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề chủ quyền của quần đảo này. Như vậy, Hoàng Sa vẫn là vùng lãnh thổ đang tranh chấp.

Cơ sở hành chính trên đảo Hoàng Sa. Ảnh: tư liệu

Là quốc gia cùng ký hiệp định Geneve năm 1954, Trung Quốc hiểu hơn ai hết Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn thuộc về Việt Nam, được thế giới công nhận và được giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý.

Khi thành lập 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiểm soát rất ít trong số 4 quần đảo, bãi ngầm tại biển Đông, cũng như không kiểm soát được khu vực đảo Đài Loan. Trung Quốc lúc này đã phải đối đầu với các thách thức, chẳng hạn từ chính quyền Quốc Dân Đảng với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, cũng như trên các đảo ngoài khơi khác tại khu vực biển Đông và biển Hoa Đông.

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo chính, nhóm Nguyệt Thiềm (Crescen) nằm ở phía Tây Nam quần đảo, nhóm An Vĩnh (Amphitrite) nằm ở phía Đông Bắc. Trước đó, quân đội Pháp đã chiếm đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc nhóm Nguyệt Thiềm (Crescen).

Năm 1951, Trung Quốc đã chính thức đưa ra yêu sách về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng bị nhiều quốc gia khác phản đối.

Ngày 1/6/1956, ngoại trưởng chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Vũ Văn Mẫu tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa. Vài ngày sau, nhà nước Cộng hòa Pháp cũng lên tiếng xác nhận.

Ngày 22/8/1956, hải lục quân VNCH đổ bộ lên đảo chính của Hoàng Sa, dựng bia, kéo cờ. Trong cùng ngày, lực lượng hải quân tỏa ra đổ bộ lên các hòn đảo chính thuộc Trường Sa, dựng các cột đá chủ quyền.

Tháng 10/1956, hải quân Đài Loan chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba). Tranh thủ cơ hội, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lập tức nhảy vào chiếm đảo Phú Lâm.

Hoàn cảnh lịch sử phức tạp lúc này tạo ra những thách thức vô cùng lớn với chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo. Cuộc chiến tranh Lạnh đang bước vào thời kỳ gay cấn, căng thẳng đã ít nhiều chi phối đến thực thi chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo. Trung Quốc đã triệt để tận dụng thời khắc đó để trục lợi và lên kế hoạch xâm chiếm.

Chính quyền VNCH đã liên tục khẳng định chủ quyền, phản đối các hành động chiếm đóng trái phép của nước ngoài trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng táo bạo và bất chấp lẽ phải, luật pháp quốc tế để sử dụng vũ lực nhằm xâm chiếm và kiểm soát hoàn toàn quần đảo này.

Trung Quốc đã thực hiện việc sử dụng vũ lực vào một bối cảnh khiến vị trí của họ trong tranh chấp đã bị suy giảm khi: i) Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã tích cực mở rộng sự có mặt trên Hoàng Sa; ii) và các lợi ích ngày càng thấy rõ của biển khơi, đặc biệt là tài nguyên dầu mỏ, khi thế giới đang bước vào cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970. 

Trung Quốc, khi nhìn thấy những lợi ích của các vùng biển này, đã quyết định phải kiểm soát được tất cả các đảo thuộc Hoàng Sa, vì trước đó, khoảng giữa những năm 1950, các đoàn tàu thương mại của Trung Quốc đã buộc phải đi qua vùng biển cạnh khu vực nhóm đảo Nguyệt Thiềm (Crescen).

Tuy Việt Nam Cộng hòa không tỏ ra có hành động đe dọa nào đối với Trung Quốc tại nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite), với ý định mỗi bên sẽ kiểm soát các khu vực biển thuộc xung quanh nhóm đảo mà họ đang kiểm soát, nhưng các hành động này của Việt Nam Cộng hòa đã làm suy giảm lợi thế của Trung Quốc. Và, vì thế, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh quân sự như một biện pháp để phục hồi lại vị thế lợi ích của mình tại đây.

Vào đầu những năm 1970, các lợi ích từ tài nguyên biển trên biển Đông trở nên rất quan trọng, đặc biệt tại các khu vực mà các bên tranh chấp.

Năm 1970, Philippines hoàn thành việc khảo sát địa chấn tại các vùng nước xung quanh Trường Sa, và năm 1971 bắt đầu tiến hành khoan thăm dò. Trong khi đó, Việt Nam Cộng hòa cũng bắt đầu việc khai thác nguồn dầu khí ngoài khơi, và tháng 7/1973 Sài Gòn đã ký kết 8 hợp đồng khoan thăm dò tại những nơi được cho là có nhiều dầu mỏ trên biển Đông. Tháng 1 và tháng 3/1973, Việt Nam Cộng hòa cũng đã cho tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực xung quanh nhóm đảo Nguyệt Thiềm.

Còn tháng 12/1973, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng công bố cho thấy triển vọng của các giếng dầu ở ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, phía bắc của quần đảo Hoàng Sa.

Với những giá trị kinh tế của các nhóm đảo ngoài khơi ngày càng gia tăng, các quốc gia khác cũng bắt đầu giành lấy những cấu trúc tại Hoàng Sa, Trường Sa, ở những nơi mà Trung Quốc hoàn toàn không có sự hiện diện nào. Để củng cố cho các yêu sách của mình, Philippines đã chiếm 5 đảo và đá tại Trường Sa trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến năm 1971. Đây là lần đầu tiên Philippines có sự hiện diện tại vùng lãnh thổ tranh chấp này.

Tháng 9/1973, Việt Nam Cộng hòa tuyên bố sáp nhập quần đảo Trường Sa vào địa bàn tỉnh Phước Tuy. Các hành động của các quốc gia này chỉ trong chưa đầy 3 năm đã đẩy Trung Quốc vào thế bất lợi trong tranh chấp này.

Để đáp lại những hành động đó, Trung Quốc quyết định mở rộng sự hiện diện của mình trên những hòn đảo ngoài khơi biển Đông, nơi có ít sự trợ giúp của các lực lượng hải quân của các quốc gia khác.

Đặc biệt, sau cuộc gặp lịch sử giữa Mao Trạch Đông với Nixon vào đầu năm 1972, và sự kiện Mỹ rút ra khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris đầu năm 1973, Bắc Kinh đã thấy trước một khả năng mới: Họ có thể loại trừ khả năng can thiệp của Hải quân Mỹ nếu cưỡng chiếm các hòn đảo thuộc do Việt Nam Cộng hòa quản lý.

Ảnh tư liệu.

Trung Quốc đã sử dụng các ngư dân để gia tăng sự hiện diện của họ trên vùng biển nhóm Nguyệt Thiềm (Crescen) từ năm 1973. Ngày 9/1/1974, các ngư dân Trung Quốc từ đảo Hữu Nhật (Robert) áp sát tới gần đảo Hoàng Sa (Pattle) - nơi mà Việt Nam Cộng hòa đang đóng quân trên đó. Ngày 11/1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc công khai thách thức Tuyên bố tháng 9/1973 của Việt Nam Cộng hòa.

Giữa tháng 1/1974, các tình huống đối đầu trở nên căng thẳng hơn. Tiếp theo các tuyên bố của Bắc Kinh, Sài Gòn gửi thêm một số tàu chiến tới khu vực nhóm đảo Nguyệt Thiềm (Crescen), trục xuất các ngư dân Trung Quốc ra khỏi khu vực này. Từ đó đã dẫn tới sự kiện ngày 19-20/1/1974, mà sau đó Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng sức mạnh quân sự của mình.

Hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974

Trước khi tiếng súng bắt đầu nổ ra tại Hoàng Sa vào lúc 10h25', ngày 19/1/1975, ngày 16/1/1974, Chính phủ VNCH đã tuyên cáo rộng rãi với thế giới bác bỏ những luận cứ vô lý của Trung Quốc và đưa ra những bằng chứng lịch sử, pháp lý được thế giới công nhận của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau khi phát hiện sự có mặt của quân đội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại vùng Hoàng Sa với cờ dựng trên các đảo Quang Anh (Money), Hữu Nhật (Robert), lực lượng quân đội VNCH được tăng cường với khu trục hạm Trần Khánh Dư, tuần dương hạm Trần Bình Trọng, hộ tống hạm Nhật Tảo. Lực lượng tăng cường của VNCH có các toán biệt hải được lệnh đổ bộ đến các đảo hạ cờ của quân đội Trung Quốc. Vài vụ xô xát đã xảy ra, súng đã nổ trên đảo Quang Hòa (Duncan) và một đảo khác.

Lực lượng hai bên bắt đầu chuẩn bị, các chiến hạm cách nhau chừng 200m. Cuộc hải chiến bắt đầu diễn ra vào lúc 10h25' ngày 19/1/1974. Một chiến hạm của TQ bị bốc cháy. Các chiến hạm của TQ mang số 281, 182 dồn sức đánh trả khiến chiến hạm Nhật Tảo bị trúng đạn trên đài chỉ huy và hầm máy chính, hạm trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh.

Sau hơn 1 giờ giao tranh, hai chiến hạm của TQ chìm, 2 chiếc khác bị bắn cháy. Bên lực lượng VNCH ngoài hộ tống hạm Nhật Tảo bị chìm, còn có một số chiến hạm bị thương tổn, trong đó có một số binh sĩ bị bắt và mất tích.

Lầu Năm Góc khi đó được chính quyền Sài Gòn yêu cầu can thiệp, nhưng quyết định đứng ngoài cuộc xung đột. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Arthur Hummel cho chính quyền Sài Gòn biết Mỹ không quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa.

Ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Ngày 26/1/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tuyên bố lập trường 3 điểm về việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ngày 14/2/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.

Nếu như Mỹ là đồng minh của Chính phủ VNCH đã làm ngơ cho Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa thì Liên Xô lại phản đối. Ngày 27/1/1974, Báo Pravda (Sự thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô đã có bài xã luận lên án gay gắt hành vi xâm lược bằng vũ lực của Trung Quốc và cảnh báo âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông và Đông Nam Á. Bài xã luận khẳng định: "Hành động quân sự của Trung Quốc tại Hoàng Sa như một chủ trương bành trướng lãnh thổ là đe dọa cho các quốc gia châu Á. Việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp đất đai, lãnh thổ  là không thể nào tha thứ".

Một số nước Nam Á đã lên tiếng phản đối hành vi dùng vũ lực của Trung Quốc.

Tàu HQ4 của hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 30/3/1974, đại biểu chính quyền VNCH khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội đồng Kinh tài Viễn Đông họp tại Colombia. Ngày 14/2/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền VNCH công bố Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặc cho những sự phản đối này, Trung Quốc vẫn chiếm giữ trái phép toàn bộ Hoàng Sa và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng trên quần đảo cho đến nay. Nước Việt Nam thống nhất sau năm 1975 luôn tuyên bố khẳng định rõ ràng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Lương Hương - Nguyễn Lê

Đồn Biên phòng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.

Nghệ An: Duy trì 4 tổ công tác liên ngành kiểm soát nghề cá

Bốn tổ công tác liên ngành được bố trí tại 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Hà Tĩnh: Kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác hải sản trái phép

Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.

Tuyên truyền chống khai thác IUU ở huyện ven biển duy nhất Ninh Bình

Huyện Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển nên việc tuyên truyền chống khai thác IUU luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Hà Tĩnh: Những thách thức và giải pháp trong chống khai thác IUU

Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.

Lồng ghép tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân vùng biển

Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Nghệ An: Nỗ lực tuyên truyền chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn để ngư dân vươn khơi

Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghệ An: 100% chủ tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Nghệ An: Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản

Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.

Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Đang cập nhật dữ liệu !