Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ Tâm, đủ Tầm

Một trong những nội dung quan trọng trong các kỳ Đại hội Đảng là công tác nhân sự. Gần đây, các cơ quan của Đảng liên tiếp ban hành những văn bản có những quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình chuẩn bị cho việc sàng lọc lựa chọn cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chiến lược.

Đây là một tín hiệu tốt, bởi việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XIII càng công phu thì kết quả càng tốt đẹp.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời

Nói về công tác chuẩn bị nhân sự, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung lãnh đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quy chế, quy định liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ như Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 khóa XII. Hay quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; về bảo vệ chính trị nội bộ, luân chuyển cán bộ; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, nhất là lãnh đạo cao cấp; và nhiều hướng dẫn, quy định khác. Các nghị quyết, quy chế, quy định được ban hành đã góp phần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, tổng thể, liên thông các khâu trong công tác cán bộ.

Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc sáng 7/5/2018 tại Hà Nội đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Ảnh: TTXVN

Là người từng có nhiều phát biểu trước nghị trường Quốc hội và trên báo giới với nhiều trăn trở về công tác cán bộ, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đánh giá, một trong những nội dung trong các kỳ Đại hội Đảng là công tác nhân sự, cho nên chuẩn bị công tác nhân sự là việc rất hệ trọng. Thực tiễn bộ máy tổ chức cũng như công tác nhân sự của nhiệm kỳ vừa qua cho thấy việc chuẩn bị một thế hệ lãnh đạo cho nhiệm kỳ mới là công việc quan trọng. Điều này thể hiện ở việc gần đây các cơ quan của Đảng liên tiếp ban hành những văn bản sửa đổi, bổ sung cũng như quy định mới những vấn đề rất quan trọng liên quan đến công tác cán bộ. Trong đó có những quy định về tiêu chuẩn, hệ thống các chức danh lãnh đạo rồi quy định về các điều kiện, quy trình chuẩn bị cho việc sàng lọc công tác cán bộ. Ông Vân đánh giá “đây là một tín hiệu tốt, bởi việc chuẩn bị cho đại hội Đảng càng công phu thì kết quả càng tốt đẹp”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: “Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật, đúng như Tổng Bí thư nói là để “cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe”. Chúng ta không vui vẻ gì khi ngày nào cũng bắt người này, người kia, nhưng bắt càng nhiều, xử càng nghiêm và càng đúng đối tượng càng tốt. Phải dũng cảm lột bỏ những khối u trong “cơ thể” Đảng, “cơ thể” Nhà nước. Càng làm mạnh thì càng củng cố niềm tin của nhân dân. Bởi chính những mầm bệnh ấy, khối u ấy đang hủy hoại Đảng, Nhà nước”.

Tuy nhiên, Đại biểu Lê Thanh Vân cũng thẳng thắn bày tỏ, bên cạnh mặt tích cực, trong các hệ thống văn bản về công tác cán bộ gần đây vẫn có một số điểm tiếp tục phải làm rõ. “Thứ nhất, quy trình đã được quy định chặt chẽ nhưng ai là người vận hành quy trình? Chúng ta có thể mua một cái ô tô rất hiện đại nhưng vận hành nó lại là người nát rượu, người sẵn sàng tháo bớt các bộ phận… thì bạn hình dung hậu quả khôn lường ra sao? Cho nên quy trình tốt nhưng phải có người vận hành tốt, và đương nhiên trong quá trình vận hành sẽ phát hiện ra những kẽ hở để tiếp tục hoàn thiện. Quy trình do con người đặt ra, và cũng chính con người chứ không ai khác phát hiện ra lỗi của quy trình. Do đó, bên cạnh việc ban hành những văn bản mới về quy trình, tiêu chuẩn, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Thực tế đã chứng minh, các quy trình, quy phạm kể cả tiêu chuẩn, người ta có muôn hình, vạn kế để hợp thức hóa theo ý chí chủ quan của họ”, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bày tỏ.

Ngoài ra, theo vị đại biểu dân cử tỉnh Cà Mau, việc đánh giá cán bộ hiện nay vẫn nghiêng về định tính, mặc dù “trong tiêu chuẩn mới có đặt vấn đề đánh giá định lượng nhưng việc đong đếm theo tôi phải có thực chứng”. Lý giải cho đề xuất này, Đại biểu Lê Thanh Vân viện dẫn tới cách dẫn dắt đội tuyển bóng đá nam của Huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Han- seo. “Rõ ràng vẫn là đội bóng ấy, vẫn những cầu thủ ấy, nhưng với Huấn luyện viên mới và những kỹ năng mới, các cầu thủ đã làm nên kỳ tích, trở thành đội bóng mạnh nhất trong khu vực. Ông Park đã khai thác được tiềm năng lợi thế của mỗi cá nhân để dàn trận, bố trí đội hình, hỗ trợ bổ sung ưu khuyết của nhau tạo ra đội hình mạnh. Đó là tài của người dùng quân. Đây cũng là bài học sâu sắc cho công tác cán bộ. Tất nhiên, tôi không đánh đồng công tác cán bộ giống bóng đá, nhưng bất kỳ hiện tượng nào ở tự nhiên xã hội đều có nguyên lý vận hành của nó. Công tác tổ chức nhân sự không nằm ngoài nguyên lý vận hành có tính chất tự nhiên như vậy. Quan trọng nhất trong đánh giá nhân sự bằng phương pháp thực chứng là phải công khai minh bạch, phải phơi bày năng lực thực khiến ai cũng phải thừa nhận”, Đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng nhấn mạnh, “đánh giá cán bộ theo định lượng là phải căn cứ vào kết quả cụ thể qua hành vi, qua năng lực thực sự chứ không phải đong đếm bằng bằng cấp, chỉ số tín nhiệm. Chúng ta thấy, nếu trọng bằng cấp, người ta sẽ mua bằng cấp, làm bằng giả; nếu trọng tín nhiệm người ta sẽ mua phiếu, bỏ phiếu gầm bàn, gian lận khi kiểm phiếu... Giờ nếu chúng ta trọng về thực chứng, trọng về hành vi, trọng về kết quả hoạt động, sẽ chỉ có người tài mới tự tin nhận nhiệm vụ, kẻ bất tài chắc chắn rút ngay”.

Dứt khoát cho ra khỏi quy hoạch nếu phát hiện cán bộ “có vấn đề”

Ông Nguyễn Văn Dựng, cán bộ hưu trí, ở phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội bày tỏ tin tưởng đối với công tác cán bộ cho Đại hội Đảng XIII (nhiệm kỳ 2021- 2026) được Trung ương Đảng tiến hành sớm, ngay từ giữa nhiệm kỳ khóa XII. Bởi, trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đặc biệt, qua đọc các tài liệu, bài viết, ông Dựng đánh giá, Ban Chỉ đạo đã kế thừa những kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, đồng thời có bổ sung những quan điểm, nguyên tắc, cách làm mới, phù hợp với một lộ trình chặt chẽ, khoa học, trong đó thể hiện rõ nhất ở đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược - là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Tuy nhiên, ông Dựng cũng kiến nghị, mặc dù những cán bộ đã được quy hoạch nhưng qua quá trình xem xét, đánh giá, điều tra có thể điều chỉnh thay đổi. Theo đó, khi phát hiện có vấn đề thì dù có quy hoạch, thậm chí “chín muồi” cũng phải phải dứt khoát cho ra quy hoạch chứ không thể duy trì được nữa… “Điều này là rất cần thiết. Chứ nếu chúng ta cứ quy hoạch coi như là tốt rồi, chính xác rồi là không nên. Công tác quy hoạch không thể cố định, “bất di bất dịch” mà phải luôn luôn thay đổi theo từng diễn biến của đội ngũ cán bộ”, ông Dựng bày tỏ.

Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: “Tiêu chí của cán bộ cấp chiến lược cần có mấy chữ T sau: Trung thành; Trung thực; Trí, Tầm; Tâm sáng; Tấm gương. Bởi vì cán bộ cấp chiến lược của chúng ta chính là những cán bộ ngồi một chỗ định việc ngàn dặm, cho nên nếu chí không đủ rộng - tức là không đủ tầm, lòng không đủ sáng tức là không có tâm, không sống trung thực thì không thể nói chuyện giang sơn xã tắc được”.

Đồng tình với kiến nghị này, nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cũng cho biết, điều này đã được Tổng Bí thư - Chủ tịch nước khẳng định: “Đảng thường xuyên kiểm tra giám sát cán bộ vào quy hoạch, nếu phát hiện ra những trường hợp nào không đủ tiêu chuẩn, phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch”. Điều này là bình thường và chứng minh một thực tế, không phải cứ vào quy hoạch là yên tâm. Bởi theo ông Nhị Lê, “lâu nay có tâm lý cứ làm quan được đưa vào quy hoạch là làm lãnh đạo đến nơi rồi, điều đó gây ảo tưởng cho cán bộ, mặt khác nó cũng là mầm mống nẩy sinh những tiêu cực trong công tác cán bộ. Chúng ta nên quy hoạch động và mở, hôm nay có thể là nhân tố quy hoạch nhưng ngày mai có thể không. Những người được vào quy hoạch không giữ gìn được sự trong sáng của lòng mình, không xứng đáng với chức danh được quy hoạch thì nếu không tự mình đào thải, tự mình tự xử, bộ máy nhân dân cũng đào thải”.

Tiến cử “sai người” sẽ phải chịu trách nhiệm

Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, so với các khóa trước, công tác quy hoạch chuẩn bị nhân sự cho khóa tới đã được chuẩn bị bài bản, khoa học, có nhiều điểm khác biệt. Đó là việc Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch số 11, trong đó có một số nội dung đổi mới căn bản. Trước hết là việc xây dựng quy hoạch cấp chiến lược của Trung ương Đảng phải gắn chặt chẽ với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác nhân sự của mỗi nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng. Trong đó, Bộ Chính trị xác định cần tập trung lãnh đạo xây dựng quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 theo phương châm "làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó" với lộ trình cụ thể: Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trình Hội nghị Trung ương 9, sau đó tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch.

Quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện theo 4 bước. Quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy hoạch ở Trung ương thực hiện theo 5 bước. Mặc dù công tác quy hoạch cán bộ đã được quy định đầy đủ các bước, nhưng thực tế đã chứng minh khi chọn nhân sự vẫn để lọt những cá nhân sai phạm không xứng đáng, điều này cho thấy việc lựa chọn nhân sự vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào con người - những người đề cử, tiến cử, lựa chọn. Nếu những người giới thiệu nhân sự xem trọng lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà bỏ qua lợi ích quốc gia, dân tộc thì chắc chắn sẽ lọt những “con sâu, mọt” vào hệ thống chính trị. Hoàn toàn tán đồng với quan điểm này, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận định, đánh giá cán bộ không khác gì cách thử gỗ mà ông cha ta đã áp dụng - không phế bỏ bất cứ bộ phận nào trên cây từ thân cho đến gỗ… cái nào xứng đáng làm trụ cột, làm dui mè thì bố trí, cái nào không có tác dụng thì làm phên giậu, bảo vệ nhà.

“Dùng người cũng vậy, quan trọng nhất là đánh giá năng lực thực sự của họ. Hiền tài của quốc gia thời nào cũng có và ngày nay không thiếu. Điều quan trọng là cách thức nhận diện ra họ là ai, ở đâu và bằng cách nào? Nếu cứng nhắc, rập khuôn, khép kín và thiếu cái tâm trong sáng, thì khó lòng xây dựng được lực lượng rường cột của hệ thống chính trị và của bộ máy nhà nước. Do đó, người giới thiệu trước hết phải am tường về cán bộ được giới thiệu có thuộc nhóm người tinh hoa cả về trí tuệ và phẩm hạnh về đạo đức hay không”, Đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Vấn đề thứ hai, theo ông Lê Thanh Vân, đó là “cần phải có quy định ràng buộc của người giới thiệu, nếu không sẽ diễn ra tình trạng vô trách nhiệm, khi hậu quả xảy ra trong công tác cán bộ thì thực sự khôn lường”.

Trong năm qua, chúng ta phải chứng kiến rất nhiều vụ việc đau lòng khi các cơ quan công quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người vận hành bộ máy sai quy định như Đinh La Thăng, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa…; những cá nhân lợi dụng chức vụ, vi phạm pháp luật, “bẻ cong” pháp luật để trục lợi cho nhóm lợi ích, cá nhân. Hậu quả kinh tế là chủ yếu nhưng uy tín của Đảng, Nhà nước bị sa sút. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể vãn hồi được nếu chúng ta quyết liệt khắc phục, chấn chỉnh.

Sai lầm trong câu chuyện này chính là nhận diện cán bộ. Nếu chúng ta chọn người có hiểu biết sâu sắc về công nghệ thông tin thì sẽ không có những lời sám hối muộn mằn từ Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa. Hệ quả là từ việc “không biết”  cộng với lòng tham, những cán bộ này đã đồng lõa, trở thành đầu mối tổ chức đánh bạc online. Rõ ràng đấy là do chọn người.

Hay như Đinh La Thăng, đến khi thành án, đưa ra xét xử mới biết quá khứ trước khi giới thiệu vào Trung ương, Bộ Chính trị. Khi còn ở Tập đoàn Dầu khí, Đinh La Thăng có nhiều vi phạm rồi.

Nếu chúng ta xem nhẹ điều này, để tồn tại tình trạng vô trách nhiệm trong giới thiệu nhân sự thì đấy chính là con đường dẫn đến tiêu cực lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

“Những việc như vậy cho thấy rất cần thiết phải ràng buộc trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự. Như ngày xưa tiến cử hiền tài cho triều đình, nếu tiến cử nhân sự xuất sắc thì sẽ được trọng thưởng, còn nếu như giới thiệu nhân sự không xứng đáng thì bị trừng phạt, bị lưu đày, thậm chí còn có thể mất đầu”, Đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ.

Việc tiến cử sai người là nỗi lo muôn đời trong việc chọn người. Vì lẽ đó, ông Nhị Lê nêu vấn đề: “Giới thiệu, bổ nhiệm “thân tộc”, tình cảm có bị chi phối không? Chắc chắn là có. Chưa bao giờ như bây giờ, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước nói nhiều đến lợi ích nhóm”.

“Nếu chúng ta trọng về thực chứng, trọng về hành vi, trọng về kết quả hoạt động, sẽ chỉ có người tài mới tự tin nhận nhiệm vụ, kẻ bất tài chắc chắn rút ngay”.

“Bản thân tôi cũng đã nhiều lần nói tới  nạn “cát cứ xứ quân”. Tất cả những điều đó có thể làm méo mó công tác quy hoạch cán bộ chúng ta nói riêng và công tác cán bộ nói chung. Chưa kể tới hàng loạt những việc chi phối khác từ bên trên, bên cạnh hoặc từ bên dưới đã làm lệch lạc thước đo về chuẩn cán bộ, dẫn tới việc chọn sai người mặc dù quy trình của chúng ta rất đúng. Nói gọn một câu, cái thước như vậy còn tay người đo thước có thực sự tốt hay không lại là chuyện khác. Khi giới thiệu nhân sự, cần tối thiểu có một số chữ T, đó là Trung thành, Tầm nhìn, Trung thực, Tấm lòng… Có như thế chúng ta mới chọn đúng người, chọn trúng người”, ông Nhị Lê bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh: “Vấn đề tiến cử là một trong những khâu rất quan trọng trong việc kiến tạo đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng và kiến tạo đội ngũ cán bộ của chúng ta nói chung. Cần phải có quy định rất cụ thể về tiến cử nhân sự, nếu tiến cử người sai thì người tiến cử phải chịu trách nhiệm. Chỉ có như vậy chúng ta mới giải quyết được yêu cầu phát triển trước mắt, đồng thời về lâu dài kiến tạo một đội ngũ cán bộ xứng tầm. Có như vậy chúng ta mới kiểm soát cán bộ, tránh được mưu lợi riêng, lợi ích nhóm – một căn bệnh hiện nay”.

Cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Hậu quả kinh tế có thể khắc phục nhưng hậu quả về nhân sự thì nghiêm trọng hơn rất nhiều, nó phá hủy bộ máy, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước… Song trước quyết tâm của Đảng, đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý cán bộ sai phạm, dù đau lòng nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới”… Chúng ta có quyền tin tưởng Trung ương sẽ chọn lựa được những cán bộ đủ Tâm, đủ Tầm đảm nhận những vị trí then chốt, đưa đất nước phát triển.                                      

Ngô Huyền

Đề xuất miễn visa cho khách thị trường trọng điểm

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực nhập cảnh đối với khách ở các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.

Khách nhiễm Covid-19 cố tình giấu bệnh lên máy bay có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Trước khi lên máy bay khách có xét nghiệm xác nhận bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo trung thực có thể bị Vietnam Airlines cấm bay vĩnh viễn trên các chuyến bay của hãng.

VOV bổ nhiệm Phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Minh Đức giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng 18/ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức họp đoàn kiện toàn chức danh Trưởng đoàn.

Bộ TT&TT điều động và bổ nhiệm 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Nhận định lần trao các quyết định giao nhiệm vụ quy mô lớn này là một sự kiện lịch sử của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với vị trí, nhiệm vụ mới, 13 cán bộ lãnh đạo các đơn vị sẽ có năng lượng mới để đóng góp tốt hơn cho Bộ, đất nước.

Tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng CSVN với sự nghiệp văn hóa-VHNT VN

Buổi tọa đàm với diễn giả là GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn ra lúc 9h00 ngày 03/02/2020 tại Tầng 1 Tòa nhà chính Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Đắk Lắk: Bệnh nhân bị đồn nhiễm virus corona là một tiếp viên hàng không

Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho là "có người nhiễm corona tại Đắk Lắk", sáng 28/1, lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, có một bệnh nhân bị sốt đang được điều trị tuy nhiên chưa thể kết luận có nhiễm virus corona hay không.

Đà Nẵng: Xuân 2020 hướng tới 22 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD

Các cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đang xúc tiến để tại “Tọa đàm Mùa xuân 2020” có thể hướng tới 22 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 1,715 tỉ USD

Tân Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Sáng nay 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cho ông Nguyễn Hồng Sơn.

Bổ nhiệm Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức Giám đốc Công an Lâm Đồng

Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng

Đang cập nhật dữ liệu !