Xóm trọ dưới chân cầu Long Biên: Đi qua "miền tối - sáng"

Ẩm thấp, tối tăm có lẽ là cảm nhận chung của bất kì ai lần đầu tới xóm trọ dưới chân cầu Long Biên – nơi có những người dân lao động nghèo quanh khu chợ Long Biên, mang những số phận, cuộc đời khác nhau.

Một buổi chiều cuối tháng 2, chúng tôi lại ghé thăm khu xóm trọ nghèo dành cho người lao động phía chân cầu Long Biên sau lần đầu tiên lui đến. Vẫn là bà bà Tân – con người đã đến độ tuổi xế chiều vui vẻ đón tiếp chúng tôi. Ấy thế nhưng, trong ánh mắt bà thoáng chút buồn bởi sự ra đi của một bà cụ sống trong khu xóm trọ này. “Bà ấy mất vào đúng ngày Tết cháu ạ...”

Những cuộc đời nơi xóm trọ Long Biên

“Tôi thương bà ấy lắm vì bà ấy mất mà không có ai là người thân bên cạnh. Dù sau hôm đó có đợi thêm mấy hôm nữa để mong người nhà tới nhưng không thấy một ai”. Bà Tân vừa kể vừa sụt sùi lau mắt như câu chuyện về sự ra đi của “người bạn cùng khu” với bà mới chỉ như diễn ra ngày hôm qua.

Qua lời tâm sự của bà, cuộc đời về một người phụ nữ đã bước sang một thế giới mới như trở nên thật điển hình cho nhiều cuộc đời ngoài xã hội kia, một sự điển hình mà chúng ta chẳng bao giờ mong muốn “ai cũng đều giống nhau”. 

Và trong khu xóm trọ nghèo Long Biên này, còn có một cuộc đời khác, mang câu chuyện khác. Đó là bà Loan, mới chuyển đến khu xóm trọ nghèo Long Biên và giờ đây, bà lại sống trong căn phòng của người bạn quá cố. Một người phụ nữ đặc biệt, có lẽ bà đặc biệt tới mức mà cho dù đã từng gặp bà trong lần đầu tiên đến nơi đây, nhưng câu chuyện về bà vẫn là một dấu hỏi lớn khiến sự tò mò tiếp tục thôi thúc ở lần thứ hai. Bà Tân nói rằng bà Loan có ba người con gái nhưng không ai trong số họ có đủ điều kiện để nuôi mẹ nên bà ấy phải sống ở đây và mỗi ngày đều có người mang cơm tới. “Bà Loan cũng yếu cháu ạ. Không ăn được cơm nên người con mang cháo đến nhưng bà ấy vẫn không ăn được”

Một phần khung cảnh xóm trọ Long Biên mà người ta vẫn thường hay gọi nó là “khu ổ chuột” (Ảnh: Hà Linh)

Chúng tôi còn  nhớ ấn tượng lần đầu tiên gặp người phụ nữ ấy. Bà ngồi trên chiếc ghế đẩu để ngoài cửa phòng, ánh mắt nhìn xa về phía bên kia cầu Long Biên như chứa đựng nhiều điều mà chẳng thể kể cùng ai. Bà chỉ chia sẻ bà sống ở đây vì không hợp con cháu, để rồi đến lần sau, chúng tôi lại được nghe kể thêm về bà và tự hỏi: Liệu rằng vì do không hợp con cháu như bà đã từng nói hay đó là vì những người con không thể có điều kiện nuôi bà?. Có lẽ dù là gì đi nữa thì đó là đáp án riêng tư của cuộc đời người phụ nữ ấy, điều mà chúng ta không thể và cũng không nên chạm đến. Chỉ cảm nhận rằng, để sống được một mình nơi xóm trọ này, ở tầm tuổi này, ngay cả khi phải sống “leo lắt” qua ngày, đó là cả sự hy sinh lớn của người làm mẹ, vì không muốn làm phiền các con, vì hiểu, thông cảm cho sự đành lòng để mẹ phải sống ở một nơi ẩm thấp, tối tăm như xóm trọ Long Biên của chúng.

Ấy thế nhưng, đâu chỉ có cuộc đời của bà Loan mới thật đặc biệt, câu chuyện về bà Ba hay bà Tân, gia đình chú Tùng cũng đều đặc biệt, đặc biệt như chúng ta vẫn thường hay nói: Họ đang sống chứ không chỉ tồn tại.

Và những cuộc đời khác...

Sau khi được hướng dẫn, chúng tôi tìm đến căn nhà của bà Ba nằm phía cuối dãy trọ trong khu dành cho người lao động nghèo Long Biên. Có lẽ nếu ai nhìn thấy lần đầu căn nhà của bà, cũng sẽ có suy nghĩ giống chúng tôi khi quả thực, nơi đó không giống một chỗ sẽ đủ ấm cho mùa đông và đủ mát mỗi khi hè về, thậm chí, xung quanh còn rất nhiều rác phế thải và ruồi nhặng khắp nơi. Thế nhưng, bà Ba chẳng lấy gì làm buồn hay ngại ngùng, bà vui vẻ lấy hai chiếc ghế rồi đặt tấm bìa cát tông mà bà thu mua được cho chúng tôi ngồi.

Vậy điều gì khiến con người này có thể hài lòng với cuộc sống hiện tại đến vậy? “Tôi cảm thấy mãn nguyện với hiện tại lắm chứ. Vì chỉ cần con cái mình hạnh phúc là đủ rồi”. Bà vừa cười vừa tự hào khoe về người con trai và người con gái, cả hai đều có công việc ổn định, đặc biệt con gái bà còn đang đi du học, định cư bên Mỹ. Khi kể về người con gái ấy, bất kì ai ngồi đối diện bà cũng có thể cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc trong ánh mắt người phụ nữ đã ngoài 60. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng với cô con gái đang sinh sống bên Mỹ, bà sẽ có một cuộc sống khác, không phải nơi thiếu nhiều về điều kiện vật chất như khu xóm trọ nghèo Long Biên này. Nhưng bà chia sẻ: “Ba mẹ chịu thiệt thòi cũng không sao. Miễn là con cái mình trưởng thành, khôn lớn và có cuộc sống ổn định. Vậy là yên tâm”. Vốn dĩ làm mẹ đã là một sự tuyệt vời nhưng làm mẹ với bà Ba, đó còn là cách bà đặt niềm vui của mình vào những người con và sự mãn nguyện vào thực tại . Nhìn cách bà kể, nhìn vào mắt bà, nhìn thấy nụ cười đã có nhiều nếp nhăn song luôn thường trực trên khuôn mặt người phụ nữ ấy, có lẽ không còn điều gì để thấy trăn trở về cách bà lựa chọn cuộc sống, mà ngược lại, dường như những con người trẻ như chúng tôi lại được truyền thêm niềm lạc quan, hài lòng với cuộc sống này.

“Em tạo dáng cho chị chụp nhé”- Cậu bé lém lỉnh nói (Ảnh: Hà Linh)

Hài lòng cũng là cụm từ thật phù hợp để nhắc đến gia đình anh Tùng, “mảnh ghép” cuộc đời khác của khu xóm trọ Long Biên. Anh kể về những cái Tết gia đình không về quê được đầy đủ mọi thành viên vì không có tiền. Những lúc ấy anh chỉ về đại diện để thắp hương cho tổ tiên rồi lại trở về mảnh đất Hà Nội. Khi hỏi anh có buồn không, anh nói: “Buồn cũng phải chịu thôi chứ biết làm sao được”. Nghe giống như một sự bất lực trước cuộc sống, trước cái khổ mình đang phải mang theo nhưng không phải vậy, đó là cách anh cũng như vợ mình và cậu bé con của anh chấp nhận, hài lòng với cuộc đời. “Nhà mình có thế nào thì dùng như thế. Tết không có nhiều tiền sắm sửa thì làm mâm cơm thắp hương vậy là có Tết rồi”. Anh chia sẻ xong thì cũng là lúc chị vợ trong bếp sắp sửa nấu xong nồi cháo lớn để đem giao cho khách, còn cậu bé con chạy ríu rít bên bố, vui vẻ, hồn nhiên đúng như lứa tuổi của em.

Sau câu chuyện về người bạn quá cố, khi hỏi bà Tân cuộc sống hiện tại, bà trở nên hào hứng, vui vẻ hơn. Dường như chỉ khi nói về cuộc đời nhiều nỗi buồn  của một người khác, đó mới là điều khiến bà Tân cảm thấy chạnh lòng, còn về bản thân người phụ nữ này, cũng giống như bà Ba, nụ cười luôn thường thực sau từng câu nói kể về cuộc đời của mình. “Nếu ở quê tôi sẽ không có việc gì làm và cũng sẽ khó mà có đồng ra đồng vào. Không thể lúc nào cũng xin con cháu mình được. Chúng còn có cuộc sống riêng nữa”. Bà Tân vừa vui vẻ nói vừa khoe rằng, quê bà ở ngay Vĩnh Phúc nên con cháu vẫn thường xuyên lên đây chơi với bà. Trong cuộc trò chuyện ở ngôi nhà thấp bé, tối tăm, có giá 500 nghìn đồng, bà luôn tỏ ra vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Qua giọng kể của bà, dường như không thấy sự buồn tủi hay cô đơn. “Đi làm như thế này người tôi khỏe lên hẳn đấy, chứ ngồi mãi một chỗ ở nhà cũng chán lắm, mà có khi lại còn thêm nhiều bệnh”.

Bà Ba và bà Tân vui vẻ đứng trò chuyện trước căn phòng ẩm thấp, chật chội của bà Tân (Ảnh: Hà Linh)

Nếu ví xóm trọ nghèo Long Biên là một bức tranh thì mỗi người trong ấy sẽ là một mảnh ghép không trộn lẫn. Họ có những cuộc đời riêng, có những nỗi niềm riêng, mang những mục đích sống không giống nhau nhưng tất cả đều đang cố gắng sống, dù theo cách này hay cách khác, giữa chốn thị thành tấp nập, phồn hoa Hà thành. Dẫu ở thực tại, vẫn có cả những trăn trở như về cậu bé con anh Tùng khi chỉ được đi học 1-2 buổi tại lớp tình thương thì tương lai của em sẽ thế nào đây?!Nhưng có lẽ chúng ta vẫn nên tin, tin vào họ, tin vào cuộc sống này, chỉ cần miễn là những con người nơi “khu ổ chuột” dưới chân cầu Long Biên còn đang sống chứ không chỉ tồn tại.

Hà Linh
Từ khóa: Xóm trọ Long Biên cuộc sống nghèo số phận con người

Khán giả 'xoắn não' vì màn kết hợp mới của Hồng Diễm và Phương Oanh, Thu Quỳnh

Trong phim 'VFC ngoại truyện' sắp phát sóng, khán giả 'xoắn não' vì các nhân vật trong 'Quỳnh búp bê', 'Hương vị tình thân', 'Trạm cứu hộ trái tim' với Hồng Diễm, Phương Oanh, Thu Quỳnh cùng xuất hiện.

Nhận cuộc gọi từ quê, tôi bần thần nhớ ngoại, tiếc những ngày mải mê kiếm tiền

Mỗi lần về quê dịp 30/4, ngoại thường nấu cho mấy đứa cháu món canh cá lóc nấu chua chuẩn vị Nam bộ. Giờ hình ảnh ngoại lui cui trong chái bếp đã thành quá khứ.

Chuyện thoát 'cơn bĩ cực' nhờ được vay 100 triệu đồng của người bán rau

Chị bán rau ở chợ Văn Thánh (TP.HCM) chia sẻ, dù hợp đồng vay 100 triệu là 10 năm, nhưng sau 3-4 tháng đầu tư có thu nhập, chị sẽ cố gắng trả nợ trong 5 năm và xin ra khỏi hộ nghèo, nhường suất cho những người không may mắn khác.

3 con gái lấy chồng xa, mẹ nuôi đàn gà chỉ mong con cháu về nghỉ lễ

Mới sớm, mẹ đã gọi điện hỏi xem dịp lễ này con có về quê ngoại. Chưa kịp trả lời đã thấy mẹ sụt sùi, giọng nghẹn lại, con cũng cứ thế nước mắt tuôn rơi.

Nữ DJ miền Tây mặc áo dài chơi nhạc gây sốt, kể góc khuất "sống về đêm"

DJ Tina Thảo thường được chú ý bởi hình ảnh mặc áo dài, áo bà ba trong những buổi diễn sôi động. Cô gái gốc Cà Mau cho biết đây là cách cô tạo dấu ấn riêng, bất chấp những tranh cãi.

Câu nói xót xa của cô gái sau hành trình thoát khỏi kẻ buôn người

Hầu hết các nạn nhân của mua bán người, sau khi được giải cứu, đều khá ổn về mặt tâm lý trong vòng 1-3 tháng đầu. Nhưng sau khoảng thời gian này, một số vấn đề ở họ bắt đầu nảy sinh.

Nữ tiến sĩ kể chuyện bị quấy rối và cách vượt lên nỗi đau, giúp người cùng cảnh

Bà Hồng bị quấy rối từ rất sớm. Trong hầu hết những tình huống bị quấy rối, chỉ có một mình bà đối diện với kẻ thực hiện hành vi.

Cao Thái Hà tuổi 34 vui sống độc thân, yêu hết mình nhưng thích tự do

Đi qua nhiều thăng trầm, Cao Thái Hà tận hưởng cuộc sống tích cực, lạc quan. Nữ diễn viên thích yêu nhưng không đặt giới hạn tuổi tác cho việc kết hôn.

Cú liều lúc nửa đêm cứu chàng trai Sơn La khỏi 'sào huyệt' của kẻ buôn người

H. được rủ sang Campuchia làm công việc nhẹ nhàng, lương tháng 10-15 triệu đồng. Nhưng chỉ vài ngày sau khi nhận việc, H. nhận ra mình đang ở trong ''sào huyệt'' của những kẻ buôn người.

Sếp nhìn chòng chọc vào người tôi, rồi chê bai ‘giống chân giò quá vậy’

Có những lần sếp nói những câu làm tôi chỉ muốn òa khóc. Sếp nhìn chòng chọc vào người tôi, rồi chê bai “sao giống chân giò quá vậy?”.

Đang cập nhật dữ liệu !