Cô bé người Dao cõng em băng suối đến trường: Con không sợ khổ, chỉ sợ phải nghỉ học!

Đôi chân Lan thoăn thoắt men theo con đường đất gập ghềnh. Để đến trường, cô học sinh "nhỏ thó" người dân tộc Dao phải vượt qua một cây rưỡi đường đồi núi, sỏi đá lởm chởm và băng qua 2 con suối, trên lưng em là cậu em trai 2 tuổi.

Hành trình cõng em băng suối đến trường

5 giờ sáng, khi sương mờ còn giăng kín đỉnh núi trước nhà, Trình Thị Lan đã ăn vội bắp ngô non, chuẩn bị quần áo để đến trường. 11 tuổi nhưng Lan nhỏ thó, thấp bé hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa. Bộ quần áo truyền thống dân tộc Dao được mẹ may cho từ năm ngoái, đến năm nay vẫn rộng thùng thình so với cân nặng vỏn vẹn 23 – 24kg của em.

Sáng nay, Lan sẽ đến trường ôn tập, sinh hoạt tập thể để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới. Nhưng không chỉ đến trường một mình, Lan còn cõng theo cậu em trai hơn 2 tuổi, tên Hiếu, trên hành trình 3km.

Bố của Lan cột chiếc địu vào lưng em, vỗ về cậu con trai 2 tuổi và không quên dặn Lan đi chậm rãi, cẩn thận. Cô bé chào bố rồi vui vẻ cõng em tới trường.

Đôi chân Lan thoăt thoắt men theo con đường đất gập ghềnh. Để đến trường, em sẽ phải vượt qua một cây rưỡi đường đồi núi, sỏi đá lởm chởm và băng qua hai con suối. Đến mỗi đoạn dốc, cô bé lại còng gập lưng, một tay đưa về sau giữ em, một tay nắm chặt sách vở, gắng bước lên thật nhanh. Thỉnh thoảng, đặt chân lên hòn đá trơn trượt, Lan đứng sững lại, giữ thăng bằng rồi mới dám bước tiếp. Sau trận mưa lớn cách đây mấy hôm, con đường đất sạt lở, trơn trượt, bùn đất bám đầy trên ống quần cô bé.

Hết con dốc lại đến con suối. Lan bảo, con suối là “ác mộng” của em vào mỗi mùa mưa. Khi ấy nước suối dâng cao, chảy siết, người lớn qua còn khó. Em có qua được thì cũng ướt nhẹp đến đầu gối, nước bắn tung tóe lên sách vở. Mùa khô này, nước chỉ chạm cổ chân, Lan vẫn có thể vừa cõng em vừa khéo léo ven theo hàng sỏi cao để sang bờ bên kia. Cậu em trai nằm im trên lưng chị, ngoan ngoãn ôm lấy cổ chị.

Thật kỳ lạ khi cô bé chỉ hơn hai chục cân nhưng vẫn vui vẻ cõng theo cậu em trai nay đã nặng 8 kilogram. Thỉnh thoảng, Lan còn trêu đùa với em, vừa đi vừa chỉ cho em con chim, con cá rồi hai chị em lại khúc khích cười vui. Dường như, cô bé chẳng mấy để ý đến gương mặt đã ướt mồ hôi của mình.

Sau một tiếng rưỡi đi bộ, hai chị em Lan cũng đã đến điểm trường Làng Cổng (Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Đồn Đạc 2, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh). Cả hai chị em rạng rỡ hẳn lên, vui vẻ chạy vào lớp. Bạn bè của Lan đã quá quen với “người bạn cùng lớp” mới chỉ 2 tuổi nên cũng ùa tới giúp Lan cởi địu cho em.

Cậu bé được sắp xếp ngồi ngay ngắn bên cạnh chị gái mình. Cậu được các anh chị người thì cho mượn chiếc bút, tờ giấy, người thì cho miếng bánh, chiếc kẹo.

Cô Nguyễn Việt Hà – giáo viên chủ nhiệm năm Lan học lớp 4 vẫn nghẹn giọng nhớ lại ngày đầu tiên cô học sinh người Dao cõng em trai tới trường.

“Lan thường có thói quen đến lớp rất sớm nhưng hôm đó, trống đã điểm mà tôi vẫn chưa thấy em đâu. Một lúc sau, tôi thấy cô bé bẽn lẽn đứng ở cửa lớp, trên lưng còn địu cậu em trai. Cô bé run rẩy hỏi: "Con địu em bé đến lớp học cùng có được không cô”?, lúc đó, nhìn hai chị em Lan, chị thì mặt mũi nhễ nhại mồ hôi, cậu em thì mắt ngân ngấn nước mà tôi cũng trào nước mắt vì thương, xúc động. Tôi đồng ý cho em vào học cùng Lan rồi sắp xếp cho cậu bé ngồi cạnh chị”.

“Là giáo viên chủ nhiệm, tôi vốn biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình em nhưng lúc đó tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi em phải cõng theo em trai đến trường”, cô Việt Hà chia sẻ thêm.

Con không sợ khổ, chỉ sợ phải nghỉ học

Thương cô trò nhỏ mỗi sáng trèo dốc, lội suối ròng rã 3 kilomet cõng em đến trường, vài ngày sau, cô Việt Hà lập tức đến thôn Khe Mằn (xã Đồn Đạc 2, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) thăm và hỏi tường tận hoàn cảnh gia đình em.

“Con đường vào nhà Lan gập ghềnh, nhấp nhô lại qua mấy đoạn suối trơn trượt, tôi còn vất vả mới vào đến nơi. Nghĩ đến cảnh mỗi sáng em còng lưng cõng em trai vượt con đường ấy đến trường mà tôi vừa xót xa vừa cảm phục”.

Trình Thị Lan sinh ra và lớn lên trong một hộ gia đình nghèo với cha mẹ đều là người dân tộc Dao. Bố em bị bệnh động kinh nên thường xuyên đau ốm, không lao động được, năm ba tháng lại phải đi bệnh viện tâm thần tỉnh điều trị. Mẹ là lao động chính trong nhà nên quanh năm phải đi nương rẫy, mùa ngô trồng ngô, mùa lúa trồng lúa không thì đi cắt cỏ thuê, hái rau rừng.

Một mình mẹ em vừa lo chữa bệnh cho chồng, nuôi 3 đứa con trong đó có Lan và chị gái đang tuổi ăn học. Vì chị gái Lan đã học tới lớp 9, sắp có thể đi học nghề nên nhiều lần, bố mẹ muốn khuyên Lan nghỉ học, ở nhà trông em để mẹ kiếm tiền nuôi người chị ăn học. Mỗi lần như vậy, cô bé đều van xin bố mẹ đừng bắt em nghỉ học rồi khóc cả đêm không thôi.

“Con bé sợ phải nghỉ học lắm. Cứ đi học về là vội vã phụ bố mẹ nấu cơm, cho gà cho vịt ăn, cắt rau, cắt cỏ, chăm em... Nó cố gắng làm hết việc trong nhà để bố mẹ yên tâm cho đi học. Ngày mùa, không gửi em cho ai được, tôi thì ốm nặng, muốn Lan nghỉ học vài hôm nó cũng không nghe, khóc cả đêm rồi xin được cõng em tới trường”, anh Trịnh A Tài, bố của Lan kể lại.

Từ trường về nhà, cô bé vừa đặt em xuống với bố lại chạy vội đi nấu cơm, cho đàn vịt ăn, quét dọn sân vườn. Mâm cơm của cả gia đình 5 người chỉ vỏn vẹn một đĩa đỗ xào muối trắng, bát quả trám rừng kho riềng. Thỉnh thoảng, để dễ ăn, Lan lại đứng dậy đổ thêm nước lọc vào cơm rồi vừa ăn vừa kể chuyện trên lớp cho bà và bố mẹ nghe.

Chiều chiều em theo mẹ ra đồng cắt cỏ, hái rau hoặc trông em, đọc truyện cho em nghe. “Con không sợ vất vả, con chỉ sợ phải nghỉ học. Con rất muốn được học chữ, được đến trường nhưng không biết bố mẹ nuôi con ăn học được đến bao giờ. Bố con bệnh nặng lắm cô ạ”, cô bé rơm rớm nước mắt tâm sự.

Thương cô học trò nhỏ, cô Việt Hà đi quyên góp từ bạn bè, đồng nghiệp từng bộ quần áo, sách vở và tiền mặt cho Lan. Cô cũng không ngại khó, nhiều lần vào thăm nhà Lan, động viên bố mẹ cho em được đến trường.

Cô Hà báo cáo trường hợp của em Lan cho ban giám hiệu nhà trường, phòng giáo dục huyện Ba Chẽ. Ban giám hiệu đồng ý với việc có thêm thành viên nhí 2 tuổi trong lớp học tại điểm trường Làng Cổng. Đợi khi cậu bé cứng cáp hơn, các thầy cô sẽ giúp gia đình đăng kí cho cậu bé học nhà trẻ.

Cô bé Lan phấn khởi thấy rõ kể từ khi được cô Hà và nhà trường đồng ý cho hai chị em cùng đến lớp.

“Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng Lan vẫn học hành rất chăm chỉ. 4 năm liền em đều có kết quả học tập tốt, nằm trong nhóm học sinh học khá giỏi của lớp. Điều đặc biệt là Lan rất ngoan, lễ phép và lạc quan. Em chưa bao giờ than thở hay có ý định bỏ học. Đây là điều đáng quý khiến thầy cô, bạn bè xúc động”, cô Hà chia sẻ.

Thầy cô sẽ cùng Lan viết tiếp giấc mơ

Ở tuổi 11, cô bé Trình Thị Lan luôn nung nấu ước mơ được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho bố, cho gia đình và những người đồng bào dân tộc Dao nghèo khó.

“Nhiều lần bố con đau lắm nhưng không có tiền để đi viện. Bố toàn cố chịu đau thôi. Bố sợ đi viện tốn tiền sẽ không có tiền mua gạo cho chị em con ăn”, Lan kể.

“Con ước mơ có thể học giỏi và trở thành bác sĩ. Nhưng con chỉ sợ, bố mẹ không thể nuôi con ăn học...”, cô bé nói.

Sau khi nắm được hoàn cảnh đặc biệt của Lan và tinh thần vượt khó, hiếu học của em, lãnh đạo phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Ba Chẽ đã trực tiếp đến thăm hỏi, vận động gia đình. Năm học mới 2019 – 2020, các thầy cô đã quyên góp ủng hộ, lắp đặt góc học tập mới, mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho Lan. Cô Hoàng Thị Oanh – trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Ba Chẽ  nhiều lần trực tiếp đến nói chuyện, động viên gia đình đưa bé Hiếu - em trai Lan đến điểm trường mẫu giáo gần nhất vào năm học mới này.

“Huyện Ba Chẽ là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, về kinh tế, điều kiện địa lý, xã hội và đặc biệt là giáo dục. 80% học sinh tại đây là người dân tộc thiểu số với tỷ lệ các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn rất cao. Người dân tộc Dao vẫn còn có tư tưởng, nhận thức lạc hậu, không muốn cho con em đến trường và thậm chí chính các em cũng ngại khó, ngại khổ, ngại học tập. Cứ khó khăn một chút là nhiều em nghỉ học, bỏ học. Việc em Lan kiên quyết đến trường dù phải đi xa, phải cõng theo em thể hiện tinh thần hiếu học hiếm có của em. Do vậy chúng tôi cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em được theo đuổi ước mơ đến trường”, cô Hoàng Thị Oanh – Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện chia sẻ.

Hiện nay trên địa bàn huyện Ba Chẽ có hơn 5000 học sinh ở các bậc học khác nhau với gần 80 điểm trường, hầu hết đều nằm ở các thôn bản miền núi có điều kiện khó khăn. Những ngày chuẩn bị cho năm học mới, các thầy cô tại đây lại lặn lội vào từng thôn, bản, đến từng gia đình động viên các em tới lớp tới trường. Hành trình cõng em đến trường, quyết tâm không bỏ học của cô bé Lan trở thành câu chuyện xúc động được các thầy cô mang đến các bản làng để chia sẻ tới mọi người nhằm khích lệ tinh thần các học trò nghèo khác.

“Cô học trò nhỏ còn không ngại khó ngại khổ vượt dốc, băng suối đến trường thì những người thầy như chúng tôi sao có thể vì sợ vất vả, cực nhọc mà bỏ rơi các em. Chúng tôi vẫn sẽ bám trường, bám lớp, tiếp tục đến các thôn bản để vận động các gia đình dân tộc thiểu số cho con đến trường. Đồng thời huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng trường, lớp khang trang hơn, giúp đỡ cho nhiều em học sinh khó khăn hơn nữa. Mục tiêu của ngành giáo dục huyện Ba Chẽ và toàn tỉnh Quảng Ninh chính là để 100% trẻ em được tới trường. Chúng tôi sẽ cùng Lan và tất cả học sinh của mình viết tiếp ước mơ đến trường...”, cô Oanh cho hay.


Linh Trang - Anh Phú/VietNamNet
Từ khóa: dân tộc Dao khai giảng năm học mới học sinh miền núi khát vọng đi học gương sáng cõng em đi học băng suối đến trường huyện Ba Chẽ Quảng Ninh

'Xin phụ huynh hãy trả lại sự tôn nghiêm cho người thầy'

Chẳng thể chịu thêm áp lực, cùng đồng lương bấp bênh, chị nộp đơn xin thôi công việc đã gắn bó 5 năm, từng là niềm tự hào, mơ ước. Suốt chặng đường từ trường về nhà, chị òa khóc với quyết định của chính mình.

Diễn viên Thanh Hương: Tôi đang độc thân, có gì đẹp thì cứ khoe

Diễn viên Thanh Hương khẳng định vẫn đang độc thân và đến với ai cũng phải tính toán hơn sau một lần đổ vỡ.

Nam sinh mồ côi bố giành học bổng 7 tỷ: Làm nghề bưng bê lấy tiền thi IELTS, SAT

Biến cố mất bố vào năm lớp 2 khiến Quang dần thu mình, không muốn giao tiếp với ai. Cho đến tận đầu năm lớp 8, em mới bắt đầu có khát khao xóa bỏ con người nhút nhát để bước ra khỏi vùng an toàn.

Đam mê về game đưa nữ sinh trúng tuyển ĐH Mỹ, học bổng 6,6 tỷ

Tự tin chọn lối đi riêng với niềm đam mê về game, Trịnh Bảo Hân (học sinh lớp 12 Anh 2 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) vừa giành học bổng trị giá 6,6 tỷ đồng vào ĐH Drexel, Mỹ.

Chuyện cảm động ở khu dân cư thấy nữ cử nhân chở con 1 tuổi đi giao hàng đến đêm

Thương bé gái 1 tuổi theo mẹ đi giao hàng, những phụ nữ tốt bụng ở ngõ 885, Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội âm thầm hỗ trợ chỗ ở, miễn giảm học phí, san sẻ bỉm sữa, thức ăn…

Jennifer Lopez mặc nội y khoe đường cong ở tuổi 55 khiến gái trẻ phải ghen tỵ

Jennifer Lopez khoe đường cong nghẹt thở trong loạt ảnh quảng cáo nội y mới.

'Tôi nghỉ việc để giữ sự uy nghiêm cuối cùng của người thầy'

Trước áp lực của học sinh và phụ huynh, sau một tình huống sư phạm gây tranh cãi, cô H. đã quyết định nộp đơn nghỉ việc, chia tay với nghề đã nhiều năm gắn bó.

Phía sau chuyện nữ cử nhân chở con 1 tuổi đi giao hàng đến nửa đêm xôn xao mạng

Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Phượng Mùi Mấy không chọn công việc văn phòng do vướng bận con nhỏ. Hàng ngày, cô chở theo con gái 1 tuổi đi giao hàng đến nửa đêm mới về chỗ trọ.

Nữ sinh xứ Nghệ trúng tuyển 9 đại học Mỹ

Từ Nghệ An ra Hà Nội học trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh, Quỳnh Anh phải chật vật để bắt kịp với các bạn. Nhưng cũng chính cú sốc ấy đã tạo đà giúp nữ sinh chinh phục hàng loạt đại học hàng đầu nước Mỹ.

Người lao công ăn bánh mì trên phố 'giúp' nữ sinh Hà Nội vào ĐH top đầu Mỹ

Thay vì chọn những ngành học đang được coi là thời thượng, Võ Nguyễn Gia Minh (học sinh lớp 12, Hà Nội) quyết theo đuổi ngành Khoa học môi trường ở đại học công lập top đầu Mỹ với khát khao trở về giúp đất nước xanh và sạch hơn.

Đang cập nhật dữ liệu !