Ông lớn hướng mục tiêu tiên phong “dẫn dắt” chuyển đổi số

Là những doanh nghiệp Việt đầu tiên chuyển đổi số nội bộ đơn vị mình, cả 3 “ông lớn” của CNTT-TT (ICT) nước nhà là Viettel, VNPT, FPT đều đang tiếp tục đặt mục tiêu trở thành tập đoàn giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Không ngừng tăng trưởng nhờ chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang là một xu thế không thể cưỡng lại được trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số được nhận định là một tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể hiện thực hóa các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) mang lại. Các chuyên gia cho rằng, trong xu thế phát triển chung này, tất cả các doanh nghiệp, tổ chức đều phải chấp nhận sự thay đổi, bởi nếu không thay đổi sẽ bị tụt lại phía sau.

Các doanh nghiệp CNTT được giao trọng trách là lực lượng tiên phong, triển khai đầu tư, xây dựng năng lực chuyển đổi số.

Với ưu thế của những doanh nghiệp đã có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông, CNTT, công cuộc chuyển đổi số nội tại Viettel, VNPT và FPT đều được khởi động từ khá sớm. Đơn cử, FPT ngay từ giai đoạn đầu của cuộc cách mạng số, cùng với khách hàng của mình - các tập đoàn lớn trên thế giới, đã bắt đầu công cuộc chuyển đổi số. Với VNPT, từ năm 2014, cùng với việc thực hiện tái cơ cấu tổ chức, doanh nghiệp này đã bắt đầu quá trình chuyển đổi số bằng việc hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới theo hướng thông minh, phát triển các dịch vụ CNTT cho chính quyền, cho các ngành y tế, giáo dục… Mặc dù xuất phát chậm hơn một chút so với VNPT và FPT, tuy nhiên với cách làm khác biệt - thuê một công ty tư vấn của Mỹ là BCG tư vấn xây dựng lại tổ chức của tập đoàn, quá trình chuyển đổi Viettel được đánh giá đã tạo dựng nên một Viettel mới, với mục tiêu chính là hướng tới khách hàng.

Trên thực tế, tuy có bước đi, cách làm không giống nhau song đại diện Viettel, VNPT và FPT đều có chung nhận định, chính quá trình chuyển đổi số nội tại doanh nghiệp đã là nhân tố quan trọng đưa đến kết quả khả quan của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, đại diện VNPT cho hay, từ khi tái cơ cấu tổ chức, VNPT đã đưa vào áp dụng nhiều quy trình quản lý hiện đại theo tiêu chuẩn thế giới, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý điều hành. Nhiều phần mềm đã được xây dựng để phục vụ việc quản lý mạng lưới, chăm sóc khách hàng, điều hành sản xuất kinh doanh.

Theo VNPT, bộ sản phẩm Chính phủ điện tử của VNPT đã “phủ” tới 51/63 tỉnh, thành phố; VNPT đã phát triển thành công giải pháp Trục liên thông văn bản quốc gia, sử dụng công nghệ X-Road; các phần mềm VNPT-iOffice, VNPT-iGate được nhiều cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã sử dụng; giải pháp quản lý bệnh viện VNPT-HIS được 7.300 cơ sở y tế dùng; giải pháp giáo dục thông minh VnEdu đã “vươn” tới 12.000 trường học; 20 tỉnh, thành phố đã tham gia khảo sát, xây dựng đề án Đô thị thông minh; giải pháp du lịch thông minh đã triển khai ở gần 30 tỉnh, thành phố…

“Đây là một trong những lý do chủ yếu giúp VNPT tái cấu trúc thành công, liên tục đạt mức tăng trưởng trên 20% trong 5 năm vừa qua, từ 2014 - 2018”, đại diện VNPT nhấn mạnh. Ngoài ra, VNPT cũng đang đẩy mạnh cập nhật công nghệ, nâng cao năng lực mạng lưới và tiến tới ảo hóa hạ tầng. Trong đó, việc ảo hóa hạ tầng, cả hạ tầng kết nối và hạ tầng trung tâm dữ liệu là cơ sở để VNPT không chỉ tối ưu hóa doanh thu-chi phí mà còn tạo ra sự linh hoạt trong mô hình kinh doanh và cung cấp dịch vụ. Đây cũng là nền tảng để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho hơn 31 triệu thuê bao di động, gần 3 triệu thuê bao cố định, hơn 5 triệu thuê bao Internet băng rộng và các dịch vụ CNTT cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành.

Với FPT, theo ông Trần Huy Bảo Giang-Giám đốc Chuyển đổi số FPT, doanh nghiệp này hiện tại có khoảng 35.000 nhân viên và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận là 44% cho khối công nghệ FPT trong 11 tháng đầu năm 2018. Kết quả tăng trưởng  một phần là do những nỗ lực chuyển đổi số không ngừng ở tất cả các công ty thành viên và Tập đoàn FPT. Minh chứng rõ hơn về hiệu quả quá trình chuyển đổi số với hoạt động của doanh nghiệp mình, ông Giang nêu: “FPT chuyển đổi hệ thống công cụ bán hàng thành hệ thống trực tuyến với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây giúp tiếp cận khách hàng một cách trực quan thay vì sử dụng phương pháp như truyền thống. Hệ thống quản lý dự án đồng bộ giúp người quản lý cập nhật tiến độ dự án từng phút để hỗ trợ việc ra quyết định thay vì việc báo cáo định kỳ hằng tuần, tháng, quý như trước kia. Và hệ thống xử lý công việc tập trung được tự động hóa bằng các robot tự động hóa quy trình có thể giúp giảm chi phí vận hành 40%, giảm thời gian hồi đáp 80% và hoạt động ở mức 24/7 mọi lúc mọi nơi”.

Lãnh sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam

Trong tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam, các doanh nghiệp CNTT được giao trọng trách là lực lượng tiên phong, triển khai đầu tư, xây dựng năng lực chuyển đổi số. Vào đầu tháng 8/2018, Viettel đã công bố chiến lược giai đoạn 4.0 (từ 2018-2030), trong đó xác định rõ mục tiêu đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp  4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm. Thực tế, thời gian qua, hướng tới mục tiêu trở thành một doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ số, Viettel đã và đang phát triển mạnh mẽ các nền tảng cơ bản và quan trọng nhất của cuộc cách mạng này (gồm AI - trí tuệ nhân tạo, big data - dữ liệu lớn, in 3D, robot). Cùng với việc tạo ra hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để tạo ra các sản phẩm chuyển đổi số, Viettel còn xây dựng bộ công cụ và lực lượng an ninh mạng để bảo vệ an toàn trên không gian mạng, đảm bảo cho người dùng an tâm khi sống trong xã hội số.

Hiện tại, Viettel đã xây dựng một hạ tầng mạng viễn thông di động băng rộng 4G phủ tới 95% dân số Việt Nam; Hạ tầng mạng siêu băng rộng cố định của Viettel chỉ còn cách mỗi hộ gia đình nông thôn khoảng 50m, còn ở thành phố gần như đã đến tận cửa nhà; Nền tảng công nghệ điện toán đám mây được Viettel đầu tư chiều sâu hơn 10 năm qua đã khiến cho giá thành lưu trữ dữ liệu giảm tới 3-4 lần. Bên cạnh đó, Viettel đã thử nghiệm thành công công nghệ NB-IoT tại Hà Nội để đưa các thiết bị nhỏ (cảm biến trên các thiết bị, thiết bị đo lường…) kết nối vào mạng viễn thông, chuẩn bị cho một xã hội số hóa; Sẵn sàng triển khai công nghệ 5G để tạo ra kết nối băng rộng cho các ứng dụng kết nối vạn vật. Với hạ tầng này, Viettel đảm bảo năng lực kết nối của Việt Nam đã tương đương với những nước phát triển nhất.

Kết thúc giai đoạn phát triển 3.0 (từ 2010 -2018), Viettel có tên trong Top 30 nhà mạng lớn nhất thế giới, đầu tư ra 10 nước với tổng dân số 240 triệu dân, duy trì vị thế là nhà mạng số 1 Việt Nam; trở thành tập đoàn công nghiệp công nghệ cao số 1 Việt Nam. Đặc biệt, Viettel cũng là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, với doanh thu giai đoạn 3.0 tăng trưởng 2,7 lần (từ 92.000 tỷ đồng lên 252.000 tỷ đồng), lợi nhuận tăng trưởng 2,7 lần (từ 16.000 tỷ đồng lên 44.100 tỷ đồng); nộp ngân sách nhà nước tăng 4,5 lần (từ 9.200 tỷ đồng lên 41.100 tỷ đồng); và vốn chủ sở hữu tăng 4,5 lần (từ 28.600 tỷ đồng lên 128.000 tỷ đồng).

Về các ứng dụng công nghệ 4.0, Viettel đang phát triển mạnh ứng dụng dựa trên AI phân tích giọng nói, hình ảnh, hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo, phân biệt các hành vi bất thường từ dữ liệu; biến những giá trị thông tin thành tài sản quý giá không chỉ cho Viettel mà còn thành thông tin giá trị phục vụ cho các hoạt động xã hội. Bên cạnh đó, Viettel còn nghiên cứu và phát triển công nghệ blockchain, ứng dụng in 3D vào việc sản xuất các linh kiện khó, đặc biệt trong các sản phẩm của Viettel. Về robot, Viettel đã phát triển và tiến tới sản xuất robot phục vụ cả dây chuyển sản xuất và đời sống hàng ngày. “Viettel đang nỗ lực đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt. Năm 2019, cũng là dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Tập đoàn, Viettel xác định sứ mạng của mình là kiến tạo xã hội số ở Việt Nam”, đại diện Viettel nhấn mạnh.

Cũng là một tập đoàn viễn thông-CNTT lớn, trung tuần tháng 8/2018, VNPT ra quyết định đổi tên Chiến lược VNPT 3.0 thành Chiến lược VNPT 4.0, khẳng định mối liên hệ mật thiết và những định hướng quan trọng giữa việc xây dựng chiến lược phát triển của tập đoàn với xu thế tất yếu của cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Chiến lược VNPT 4.0, VNPT sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á. Do đó, VNPT đang triển khai định hướng đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ số theo mô hình hệ sinh thái. Hệ sinh thái giải pháp của VNPT đã ngày càng phong phú và hoàn thiện với các giải pháp ở nhiều lĩnh vực. VNPT hiện đã xây dựng, làm chủ nhiều sản phẩm, dịch vụ cốt lõi ở nhóm khách hàng Chính phủ, tổ chức/doanh nghiệp; duy trì thị phần dịch vụ trên toàn quốc trong lĩnh vực giáo dục, y tế, Chính phủ điện tử.

Đại diện VNPT cho biết thêm, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới theo hướng thông minh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm CNTT sử dụng công nghệ 4.0 phục vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực, VNPT sẽ tập trung phát triển Hệ sinh thái số thông minh (Innovative Digital Ecosystem - (VNPT IDE) dựa trên các công nghệ 4.0-hạt nhân của chuyển đổi số. Với VNPT IDE, tập đoàn tới đây sẽ thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: Xây dựng các platforms trên nền tảng công nghệ 4.0 để không chỉ VNPT mà cả các bên thứ 3 có thể tập trung vào việc phát triển ứng dụng, kinh doanh trên đó, không cần bận tâm đến công nghệ cụ thể ở tầng dưới, ví dụ như IoTplatform CSP của VNPT; Chuyển giao tri thức các công nghệ mới một cách hệ thống và bài bản, cùng trang bị cơ sở vật chất đúng chuẩn thế giới, ví dụ VR/AR lab của VNPT hợp tác với EON.

Còn với FPT, tháng 9/2018, tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, Chủ tịch Trương Gia Bình tuyên bố, FPT xác định sứ mệnh của tập đoàn giai đoạn tới là tiên phong chuyển đổi số để chuyển đổi nền kinh tế xã hội Việt Nam. Chia sẻ thêm với Bưu điện Việt Nam, Giám đốc Chuyển đổi số FPT Trần Huy Bảo Giang cho biết: “Với nội tại tập đoàn, chúng tôi đang tích cực tăng tốc chuyển đổi số cho FPT cũng như các công ty thành viên. Với việc đi sâu tìm hiểu vấn đề nội tại ở tất cả các cấp, tăng cường sử dụng giải pháp số, công nghệ số như AI, Automation… để giải quyết các vấn đề này một cách đột phá, FPT sẽ sớm trở thành một trong số ít các doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực (near-real time data-driven enterprise). Có thể nói một trong những cách nhìn về cách mạng 4.0 chính là cuộc cách mạng về năng suất lao động dựa trên dữ liệu thời gian thực nhằm tăng năng lực cạnh tranh”.

Cả Viettel, VNPT và FPT đều đã nhận thức rõ trách nhiệm của doanh nghiệp mình trong việc thiết lập hạ tầng, nền tảng để triển khai công cuộc chuyển đổi số cho toàn bộ nền kinh tế đất nước.

“Ngoài ra, Tập đoàn FPT cũng sẽ tăng cường hợp tác song phương với hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới như Microsoft, Google, Amazon, Siemens, General Electric…    cùng chia sẻ phương pháp luận cũng như các nền tảng công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số. Với sự ra đời mới đây của Ban Chuyển đổi số FPT nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số và cung cấp năng lực tư vấn số, cũng như sự ra đời Học viện số FPT nhằm xây dựng mạng lưới những nhân tài công nghệ Việt để cùng đón làn sóng chuyển đổi số, FPT đặt mục tiêu trở thành tập đoàn có năng lực và giải pháp chuyển đổi số tổng thể, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới”, ông Giang nhấn mạnh.                 

Ngọc Minh
Từ khóa: chuyển đổi số đầu tàu Viettel VNPT FPT ông lớn CNTT-TT ICT

Agribank lần thứ 9 liên tiếp được vinh danh giải thưởng Sao Khuê

Vượt qua nhiều giải pháp, 2 hệ thống/sản phẩm của Agribank được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024, đánh dấu lần thứ 9 liên tiếp (2016-2024) Agribank nhận giải thưởng này.

Cơ chế giá điện 2 thành phần là công bằng hơn giá điện 1 thành phần

Hiện Việt Nam áp dụng biểu giá điện 1 thành phần, tức là biểu giá điện tính theo điện năng. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng giá điện 2 thành phần.

Bảo hiểm FWD gây ấn tượng với thông điệp truyền cảm hứng mới

Mới đây, FWD Việt Nam tiếp tục chứng minh sức mạnh vượt trội trong cách khai thác thông điệp cùng hình tượng sáng tạo nhưng gần gũi thông qua chiến dịch thương hiệu mới “Sống đầy cùng FWD Bảo hiểm dễ hiểu” (Time to play).

Agribank dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, lãi suất chỉ từ 4,0%/năm

Khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng như: mua nhà, sửa nhà, mua xe… có thể tiếp cận nguồn vốn 10.000 tỷ đồng của Agribank, với lãi suất chỉ từ 4,0% /năm.

Xóa độc quyền vàng miếng, giá vàng SJC sẽ lập tức giảm mạnh

Theo các chuyên gia, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, chưa cần đến việc cho nhập khẩu vàng hay không thì giá vàng sẽ lập tức giảm đến 5 triệu đồng mỗi lượng.

Vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Eximbank nói cán bộ xử lý quá máy móc

Theo lãnh đạo Ngân hàng Eximbank, cán bộ xử lý thẻ phải căn cứ vào vụ việc, đề xuất mức thu lãi, báo cáo lãnh đạo trước khi làm việc với khách hàng. Nhưng cán bộ đã quá máy móc khi gửi thông báo đến cho khách mà chưa báo cáo lãnh đạo.

Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Ngân hàng có buộc phải xóa nợ?

Vụ việc khách hàng của Eximbank là anh P.H.A nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng thành 8,8 tỷ đồng vẫn chưa ngã ngũ. Nếu 2 bên không có tiếng nói chung, một bên không trả nợ, một bên không sửa trên hệ thống thì khoản nợ mãi treo lơ lửng.

Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Cần biết để không 'lụt nợ' vì thẻ

Vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị biến thành món nợ 8,8 tỷ gây nhiều tranh cãi. Nợ xấu để lại hệ luỵ cho cả người vay lẫn ngân hàng. Chủ thẻ tín dụng cần lưu ý gì để không phải rơi vào tình huống bị đòi những khoản nợ không tin nổi?

Sự thật vụ 'quên' trả nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu, sau 11 năm thành 8,8 tỷ

Vụ việc xảy ra ở Quảng Ninh đang gây 'sốc'. Khách hàng vay thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng nhưng không đóng lãi nhiều năm. Đến nay, cả gốc lẫn lãi lên đến 8,8 tỷ đồng.

Agribank nỗ lực truyền thông giáo dục tài chính cho học sinh, sinh viên

Agribank phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức nhiều chương trình giáo dục tài chính, đặc biệt cho học sinh, sinh viên để hiểu biết đúng và đầy đủ về các vấn đề tài chính ngân hàng trong bối cảnh xã hội phát triển và chuyển đổi số.