"Không phải cứ đứng trên bục giảng thì sẽ được gọi là thầy cô"

Nguyễn Võ Thanh Việt (lớp Chất lượng cao K65), thủ khoa K65 của Khoa Vật lý và là thủ khoa năm 2019 của Trường ĐHSP Hà Nội, đã có bài phát biểu đầy cảm xúc trong lễ tốt nghiệp ngày 6/6.

Thanh Việt và bạn trong lễ tốt nghiệp.

Như cá và nước mắm
Lời đầu tiên, cho phép em được gửi lời chào đến quý thầy cô, quý phụ huynh cùng toàn thể các bạn sinh viên đã có mặt tại buổi lễ bế giảng và trao bằng cử nhân cho sinh viên tốt nghiệp năm 2019 khoa Vật lí ngày hôm nay.
Em tên là Nguyễn Võ Thanh Việt, sinh viên lớp Chất lượng cao khóa 65 khoa Vật lí, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Nếu có bất kì ai mới nghe qua giọng nói này, họ sẽ đặt cho em 3 câu hỏi. Một là: Cậu là người miền trong à? Đúng! Em là người Đà Nẵng. Hai là: Tại sao lại chọn Hà Nội mà không phải TP.HCM? Trường ĐHSP Hà Nội là trường đại học sư phạm hàng đầu của nước ta, hay như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Là trường mô phạm của cả nước.” Nghĩ về việc em được vào trường, một người con miền biển như em liên tưởng đến mối quan hệ giữa cá và nước mắm. Nước mắm chính là cá được tinh luyện. Nếu cá ăn một mình thì không có gì đặc sắc, còn khi cá chấm vào mắm thì vô cùng tuyệt vời.
Em nghĩ tất cả cũng cùng cảm giác như em, thấy may mắn khi mình là một phần của khoa Vật lí, một phần của ngôi trường này. Em xin gửi lời cảm ơn đến tất cả thầy cô đã luôn kiên nhẫn trước những sai lầm của chúng em, đã ân cần giúp đỡ mỗi khi chúng em thắc mắc, đã nương tay cho những lần thể hiện không tốt trong bài kiểm tra của chúng em. Cảm ơn thầy cô đã giúp chúng em thức tỉnh sau kì thi đại học và cho chúng em biết biển học là vô bờ. Cảm ơn đã đưa chúng em đến với những cơ hội, không chỉ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn khi đã sắp vào nghề như hôm nay.
Câu hỏi thứ ba, mình muốn dành câu trả lời của mình cho tất cả các bạn sinh viên ở đây. Đó là câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao lại chọn sư phạm? Tại sao lại là nghề giáo?” Có rất nhiều câu trả lời mình đã từng nghĩ ra cho câu hỏi này và nếu bây giờ lại được trả lời, mình sẽ đúc kết bằng một câu trong cuốn Đời về cơ bản là buồn cười của nhóm tác giả Lê Bích: “Vấn đề lớn nhất của thế giới này là mọi người đều tìm cách tạo ra một cuộc đời tốt hơn cho lũ trẻ mà lại quá ít người tìm cách tạo ra một lũ trẻ tốt đẹp hơn cho cuộc đời.” Mình cũng muốn bản thân là một phần trong số ít đó.
Không phải cứ đứng trên bục giảng thì sẽ được gọi là thầy cô
Ngày còn là học sinh, mình có ước ao lớn hơn nhiều. Mình từng mong sẽ làm điều gì đó lớn lao cho giáo dục nước nhà. Trải qua năm đầu đại học, mình thấy rằng không phải cứ đứng trên bục giảng thì sẽ được gọi là thầy, là cô. Để trở thành giáo viên đúng nghĩa thì còn cần nhiều hơn những điều mình đã nghĩ.
Lúc này, mình chỉ mong sẽ trở thành một giáo viên tốt, được học sinh yêu mến. Khi học sâu hơn một chút, mình bắt đầu tự hỏi: Chúng ta sẽ dạy gì cho học sinh của mình? Câu trả lời ban đầu thật rõ ràng, là giáo viên vật lí thì dạy vật lí, nhưng như thế thì vẫn chưa đủ.
Đến tận bây giờ, mình mới có câu trả lời, tuy không đầy đủ, nhưng cũng tạm thỏa mãn cho câu hỏi đó. Đầu tiên, mình sẽ dạy học sinh biết đọc. Tất nhiên chúng ta qua rồi cái thời xóa nạn mù chữ. Theo mình, biết đọc ở đây được hiểu là khi đứng trước một thông tin gì đó, ta biết cẩn thận đọc từng câu chữ, ta biết chọn nguồn thông tin để đọc, biết dừng lại để suy ngẫm, để trăn trở về những gì ta được đọc. Những cuộc tranh cãi, những hiểu lầm, những sự vội vàng dẫn đến thất bại trong cuộc sống cũng một phần do ta chưa đọc một cách đúng đắn. Mình sẽ dạy cho học sinh phải đọc một cách thận trọng.
Điều thứ hai, mình sẽ dạy học sinh biết lắng nghe. Có hàng vạn cuốn sách khác nhau chỉ ta cách phải nói thế nào thật hay, dành được lợi thế về bản thân mình, nhưng lại có thật ít những quyển sách dạy ta nghe thế nào cho đúng. Trong một cuộc đối thoại, đôi khi chúng ta cứ mải suy nghĩ xem mình sẽ đáp lại người kia như thế nào trong lúc họ đang nói mà quên mất điều họ mong muốn ở ta là lắng nghe và thấu hiểu. Mình muốn dạy cho học sinh hãy luôn lắng nghe người khác một cách chân thành, để ta cảm thông cho những khó khăn, những lầm lỗi họ đã gặp phải; để ta biết chung vui cho những thành công mà họ đạt được; để những thông điệp trong cuộc sống được truyền đi một cách vẹn nguyên, không méo mó.

Điều thứ ba mình dạy cho học sinh là biết đấu tranh. Cái đúng và sai luôn đan xen nhau trong từng việc mà ta làm hằng ngày, từng sự kiện mà ta gặp trong cuộc sống. Đôi khi những điều tốt đẹp lại đi ngược với số đông, le lói và dễ bị dập tắt. Đó là lúc con người cần đấu tranh để giữ nó sáng mãi.
Mình muốn học sinh tự nhận thức được rằng cần phải đấu tranh mỗi ngày, dù là bằng lời nói hay là bằng hành động. Việc làm xấu thì có nhiều lí do, nhiều mục đích, còn việc tốt thì nên được làm với ý nghĩa duy nhất “đó là việc tốt, việc cần làm”. Mình muốn học sinh biết chấp nhận trước những khó khăn mà các em gặp phải khi đấu tranh, và khi gặp khó khăn thì phải biết đối mặt và vượt qua nó.
Cuối cùng, mình mong dạy được cho học sinh biết giúp đỡ lẫn nhau. Bất kì ai cũng sẽ gặp khó khăn khi làm việc một mình, đó là lí do chúng ta cần sống trong một xã hội. Nhưng khi tồn tại mối quan hệ giữa người với người sẽ là lúc có sự ganh ghét, đố kị. Mình muốn cho học sinh hiểu rằng mỗi người chúng ta có một nhiệm vụ khác nhau. Dù có học cùng một ngành, ngồi cùng một lớp, làm cùng một công ti, cùng một vị trí, nhiệm vụ của mỗi cá nhân lại không hoàn toàn giống nhau. Ta không nên xen vào việc thực hiện nhiệm vụ của người khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta vô cảm, thờ ơ trước công việc của mọi người. Mình muốn học sinh xem việc giúp đỡ người khác là nhiệm vụ của chính bản thân mình. Vì không một ai có thể giỏi mọi thứ, và vì tất cả chúng ta sống cùng nhau.
Mình còn muốn dạy học sinh thật nhiều, dạy các em từ những điều nhỏ nhặt như xếp hàng, bỏ rác vào thùng, chấp hành luật lệ giao thông; dạy các em phải kiên nhẫn, biết yêu thương, biết đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu lẫn nhau, và nhiều nhiều những điều khác nữa.
Bắt đầu thay đổi từ những điều nhỏ nhặt ở lớp học nho nhỏ
Chúng ta hẳn sẽ thấy, sao mà giáo viên phải dạy thật lắm thứ như vậy. Nào là biết đọc, biết lắng nghe, biết đấu tranh rồi thì biết giúp đỡ. Mình thì thấy rằng có thể dạy tất cả những điều đó từ chính môn học của chúng ta. Tất nhiên việc dạy sẽ thật khó khăn, chính những giá trị cơ bản của cuộc sống lại làm ta cảm thấy khó khăn, bởi cuộc sống quanh ta hiện nay thật khốc liệt.
Mình giờ không mong gì bản thân đủ khả năng thay đổi được cả nền giáo dục này như ước muốn ngày còn là học sinh, nhưng mình sẽ bắt đầu thay đổi những điều nhỏ nhặt ở một lớp học nho nhỏ. Bản thân mình sẽ cố gắng làm cho mọi thứ xung quanh trở nên tốt hơn một chút qua từng ngày.
Tất cả chúng ta ngồi đây, sau này sẽ làm những nghề rất khác nhau. Có thể sẽ trở thành giáo viên, giảng viên, cũng có người sẽ đi theo nghiệp nghiên cứu, có người sẽ tham gia vào con đường chính trị, cũng có người chọn nghề không còn liên hệ gì đến vật lí nữa. Nhưng mỗi chúng ta đều là một nhà giáo dục, với con cháu của chính chúng ta, với người thân của chúng ta và với tất cả mọi người xung quanh. Chỉ cần mỗi chúng ta đều mong muốn thay đổi mơi mà mình đang sống một chút, tất cả chúng ta sẽ thay đổi được những điều lớn lao vượt cả mong đợi.
Con cũng muốn dành những lời cảm ơn đến ba mẹ, đến đấng sinh thành, đến tất cả cô chú phụ huynh đang có mặt ở đây ngày hôm nay. Cảm ơn vì những sự động viên, cảm ơn vì đã luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, cảm ơn vì những cuộc điện thoại từ quê nhà với bao lời dặn dò chất chứa yêu thương.
Cuối cùng, em xin dành lời chúc sức khỏe đến quý thầy cô, quý phụ huynh cùng tất cả các bạn sinh viên. Người ta thường nói rằng khi một giai đoạn nào đó kết thúc, cũng chính là lúc khởi đầu cho tương lai. Không ai nói trước được tương lai đó sẽ như thế nào, nhưng có một điều em/ mình biết chắc: Sau buổi lễ ngày hôm nay, chúng ta tốt nghiệp Trường ĐHSP Hà Nội và sẵn sàng đương đầu mọi thứ. Bài phát biểu của em đã hết, xin cảm ơn tất cả quý thầy cô, quý vị phụ huynh, các bạn sinh viên đã chú ý lắng nghe.
Nguyễn Võ Thanh Việt

'Xin phụ huynh hãy trả lại sự tôn nghiêm cho người thầy'

Chẳng thể chịu thêm áp lực, cùng đồng lương bấp bênh, chị nộp đơn xin thôi công việc đã gắn bó 5 năm, từng là niềm tự hào, mơ ước. Suốt chặng đường từ trường về nhà, chị òa khóc với quyết định của chính mình.

Diễn viên Thanh Hương: Tôi đang độc thân, có gì đẹp thì cứ khoe

Diễn viên Thanh Hương khẳng định vẫn đang độc thân và đến với ai cũng phải tính toán hơn sau một lần đổ vỡ.

Nam sinh mồ côi bố giành học bổng 7 tỷ: Làm nghề bưng bê lấy tiền thi IELTS, SAT

Biến cố mất bố vào năm lớp 2 khiến Quang dần thu mình, không muốn giao tiếp với ai. Cho đến tận đầu năm lớp 8, em mới bắt đầu có khát khao xóa bỏ con người nhút nhát để bước ra khỏi vùng an toàn.

Đam mê về game đưa nữ sinh trúng tuyển ĐH Mỹ, học bổng 6,6 tỷ

Tự tin chọn lối đi riêng với niềm đam mê về game, Trịnh Bảo Hân (học sinh lớp 12 Anh 2 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) vừa giành học bổng trị giá 6,6 tỷ đồng vào ĐH Drexel, Mỹ.

Chuyện cảm động ở khu dân cư thấy nữ cử nhân chở con 1 tuổi đi giao hàng đến đêm

Thương bé gái 1 tuổi theo mẹ đi giao hàng, những phụ nữ tốt bụng ở ngõ 885, Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội âm thầm hỗ trợ chỗ ở, miễn giảm học phí, san sẻ bỉm sữa, thức ăn…

Jennifer Lopez mặc nội y khoe đường cong ở tuổi 55 khiến gái trẻ phải ghen tỵ

Jennifer Lopez khoe đường cong nghẹt thở trong loạt ảnh quảng cáo nội y mới.

'Tôi nghỉ việc để giữ sự uy nghiêm cuối cùng của người thầy'

Trước áp lực của học sinh và phụ huynh, sau một tình huống sư phạm gây tranh cãi, cô H. đã quyết định nộp đơn nghỉ việc, chia tay với nghề đã nhiều năm gắn bó.

Phía sau chuyện nữ cử nhân chở con 1 tuổi đi giao hàng đến nửa đêm xôn xao mạng

Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Phượng Mùi Mấy không chọn công việc văn phòng do vướng bận con nhỏ. Hàng ngày, cô chở theo con gái 1 tuổi đi giao hàng đến nửa đêm mới về chỗ trọ.

Nữ sinh xứ Nghệ trúng tuyển 9 đại học Mỹ

Từ Nghệ An ra Hà Nội học trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh, Quỳnh Anh phải chật vật để bắt kịp với các bạn. Nhưng cũng chính cú sốc ấy đã tạo đà giúp nữ sinh chinh phục hàng loạt đại học hàng đầu nước Mỹ.

Người lao công ăn bánh mì trên phố 'giúp' nữ sinh Hà Nội vào ĐH top đầu Mỹ

Thay vì chọn những ngành học đang được coi là thời thượng, Võ Nguyễn Gia Minh (học sinh lớp 12, Hà Nội) quyết theo đuổi ngành Khoa học môi trường ở đại học công lập top đầu Mỹ với khát khao trở về giúp đất nước xanh và sạch hơn.

Đang cập nhật dữ liệu !